top of page
Ảnh của tác giảSweet Potato

Người Công Nhân Nuôi Gà Đầu Tiên

Đã cập nhật: 25 thg 12, 2023

Năm 1923, ở bán đảo Delmarva (thuộc 3 bang Delaware-Maryland-Virginia), một sự cố nhỏ có thể nói là nực cười đã xảy đến với một bà nội trợ ở Oceanview, bà Celia Steele. Bà là người chăm cho đàn gà nhỏ ở nhà mình. Theo lời kể, bỗng nhiên một ngày, bà nhận được 500 con gà, thay vì 50 con như bà đã đặt hàng. Thay vì vứt chúng đi, bà quyết định thử nghiệm việc nuôi gà ở trong nhà qua mùa đông. Với sự trợ giúp của các loại cám dinh dưỡng mới được phát minh, đàn gà đã sống qua mùa đông và bà Steele tiếp tục các thử nghiệm. Tới năm 1926, bà đã có đến 10,000 con gà, và tới năm 1935 là 250,000 con. (Trong khi đó, trung bình các đàn gà ở Mỹ chỉ có khoảng 23 con vào năm 1930.)


Ảnh trái: Bà Steele (ngoài cùng bên phải) cùng đàn gà của mình.
Ảnh phải: căn nhà gỗ nơi bà Steele nuôi đàn gà 500 con. (*)

Chỉ mười năm sau đột phá của bà Steele, bán đảo Delmarva đã trở thành thủ phủ của ngành chăn nuôi gia cầm trên toàn thế giới. Khi đó, quận Sussex của Delaware xuất ra hơn 250 triệu con gà thịt mỗi năm, gần gấp đôi số lượng của bất kỳ quận nào khác trên toàn Hoa Kỳ. Chăn nuôi gia cầm là hoạt động kinh tế chính, và cũng là nguồn gây ô nhiễm chính của khu vực này. (Nitrates gây ô nhiễm cho một phần ba nguồn nước ngầm dưới các khu nông nghiệp của Delmarva.)


Quá chật trội, thiếu ánh sáng và không gian vận động, đàn gà của bà Steele sẽ chẳng thể sống nếu không có công nghệ bổ sung vitamin A và D cho cám nuôi gia cầm. Không chỉ vậy, bà Steele đã không thể nào nhận được đơn hàng 500 con gà kia nếu không có sự phổ biến của các trại ấp gà với lồng ấp nhân tạo. Những nguồn lực vô hình cùng hàng loạt những phát minh đương thời đã giao thoa và tương hỗ với nhau theo cách mà người ta chưa từng nghĩ đến.


Năm 1928, thổng tống Hoa Kỳ Herbert Hoover đã từng hứa “Mỗi nồi một con gà" (1). Lời hứa này đã được hiện thực hoá vượt trên cả kỳ vọng, nhưng mọi thứ không như người ta tưởng. Đầu những năm 30, kỹ sư của các xưởng chăn nuôi mới nổi lên, như Arthur và John Tyson đã gia nhập ngành nuôi gia cầm. Họ đã chắp tay tạo nên những phát triển vượt bậc cho ngành công nghiệp chăn nuôi hiện đại, với hàng loạt những “phát kiến" trong chăn nuôi gia cầm trước thềm Thế chiến thứ 2. Ngô lai tạo (2), được tạo ra bởi sự tài trợ của chính phủ, là nguồn cám rẻ sẽ được tối ưu hoá bằng dây chuyền phát thức ăn.


Cắt mỏ - việc cắt bỏ đầu nhọn của mỏ gà bằng lưỡi dao nóng, đã được phát minh và sau đó tự động hoá (mỏ là bộ phận dùng để thăm dò môi trường xung quanh của gà). Đèn và quạt tự động cho phép các xưởng nuôi nhiều gà hơn trong diện tích nhỏ hơn. Đây cũng là công nghệ nền móng cho mô hình thúc gà lớn nhanh bằng cách kiểm soát giờ chiếu sáng. Ngày nay, mô hình này đã trở thành tiêu chuẩn.

Mọi phương diện trong đời sống của loài gà đã được tối ưu hoá để tăng sản phẩm và giảm giá thành. Vậy nghĩa là, chúng ta lại cần một bước nhảy vọt nữa.


(Trích từ chương "Hiding/ Seeking", cuốn "Eating Animal của Jonathan Safran Foer)
Dịch và chú thích: Khoai Lang
 
CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI DỊCH

(*) Hình ảnh được lấy từ bài viết "Character of the Day: The Delaware Housewife Who Invented the Modern Chicken Industry" của trang Secrets of the Eastern Shore.


(1) Nguyên văn “Chicken in every pot, 2 car in every garages" (Mỗi nồi một con gà, mỗi nhà 2 ô tô): Phát ngôn được gắn với chiến dịch kêu gọi bầu cử của tổng thống Hoa Kỳ thứ 31, ông Hebert Hoover. Tuy nhiên, nhiều nguồn đã khẳng định, ông không hề phát ngôn câu này. Đó chỉ là một khẩu hiệu trên một tờ poster kêu gọi bầu cử ở địa phương. Câu nói trở nên nổi tiếng vì các đối thủ của ông lúc của ông lúc bấy giờ đã dùng nó hạ bệ ông.


(2) Ngô lai tạo: dựa trên luật di truyền của Menđen, người ta đã lai tạo được những giống ngô có sản lượng cao hơn, chất lượng đồng đều, lớn nhanh, có khả năng chịu hạn và kháng ký sinh trùng tốt hơn.





3 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page