BẢN NĂNG
Hầu hết chúng ta đều biết về khả năng tìm đường đáng kinh ngạc của các loài chim di cư, chúng có khả năng tìm đường đến các khu vực lập tổ cụ thể xuyên lục địa. Khi tôi biết về điều này, tôi được nghe nói rằng đó là "bản năng". ("Bản năng" vẫn được dùng để giải thích khi hành vi của động vật quá thông minh [tham khảo: TRÍ THÔNG MINH].) Tuy nhiên, bản năng không thể giải thích được làm thế nào chim bồ câu sử dụng các tuyến giao thông của con người để tìm đường. Chim bồ câu đi theo các con đường cao tốc và chọn các lối ra cụ thể, có khả năng cũng bay dựa theo những cột mốc và địa danh giống như con người lái xe dưới đường.
Trước đây, trí thông minh được định nghĩa hẹp hòi là khả năng trí tuệ (kiến thức sách vở); ngày nay, chúng ta công nhận nhiều loại trí thông minh, chẳng hạn như trí thông minh hình ảnh không gian, khả năng đối nhân xử thế, cũng như trí thông minh về cảm xúc và âm nhạc. Trí thông minh của một con báo không nằm ở việc nó có thể chạy nhanh. Nhưng khả năng kỳ diệu để hình dung một bản đồ không gian - tìm ra đường chéo, dự đoán và phản pháo các chuyển động của con mồi - là một quá trình tư duy đáng được công nhận. Đánh đồng trí thông minh này với bản năng chẳng khác nào việc so sánh kỹ năng đập búa vào đầu gối (để thăm khám bệnh) với kỹ năng để sút vào một quả đá phạt trong bóng đá.
TRÍ THÔNG MINH
Nhiều thế hệ nông dân đã biết rằng những con lợn thông minh sẽ học cách mở then cài cửa chuồng của chúng. Gilbert White, nhà tự nhiên học người Anh, viết vào năm 1789 về một con lợn như vậy, một con cái, sau khi mở cửa của mình, "thường mở tất cả các cổng trên đường và tự đi, một mình, đến một trang trại xa nơi [một con đực] được giữ; sau khi đã đạt được mục đích" - cách diễn đạt tế nhị tuyệt vời - "sẽ trở về nhà bằng cách tương tự."
Các nhà khoa học đã ghi nhận một loại ngôn ngữ của lợn, và lợn sẽ đến khi được gọi (bởi con người hoặc bởi một con lơn khác), biết chơi với đồ chơi (và có cả món yêu thích), và ta đã quản sát thấy rằng chúng biết giúp đỡ con lợn khác đang trong tình trạng nguy hiểm. Tiến sĩ Stanley Curtis, một nhà khoa học động vật ủng hộ ngành công nghiệp, đã đánh giá khả năng nhận thức của lợn bằng cách dạy chúng chơi trò chơi điện tử với một cái cần điều khiển được sửa đổi để phù hợp với mõm. Chúng không chỉ học được cách chơi, mà còn học rất nhanh như tinh tinh, chứng tỏ khả năng đáng kinh ngạc trong việc hình dung các khái niệm trừu tượng. Và huyền thoại về lợn mở chốt vẫn tiếp tục. Tiến sĩ Ken Kephart, một đồng nghiệp của Curtis, xác nhận khả năng của tự mở chốt của lợn, và còn thêm rằng, lợn thường làm việc theo cặp, thường là những kẻ phạm tội tái diễn, và trong một số trường hợp, sẽ mở khóa của những con lợn khác nữa.
Nếu trí tuệ của lợn đã từng là một phần của truyền thuyết dân gian ở nông trại ở Mỹ, thì người ta cũng từng cho rằng cá và gà là hai loài vật không có trí khôn. Nhưng liệu đó có phải sự thật?
Comments